Kỳ lạ Myanmar

Đăng bởi thuhuyen | Danh mục Tin tức sự kiện | 30/03/2015
Những câu chuyện kỳ lạ ở xứ sở chùa vàng Myanmar.
 

 

 

 

 

 

 

 

 

Máy bay chúng ta vừa hạ cánh xuống sân bay quốc tế Yangon. Hiện tại giờ địa phương là 14h15 phút. Nhiệt độ bên ngoài là 45o C”. Thông báo của cơ trưởng cũng chính là ấn tượng đầu tiên mà người viết đặt chân xuống đất nước Myanmar: Yangon khá nóng.

Sân bay quốc tế Yangon khá nhỏ so với Tân Sơn Nhất của Việt Nam và vẫn đang trong quá trình nâng cấp. Tuy nhiên, phía trong nhà ga thoáng đãng và những hành khách không mất nhiều thời gian để làm thủ tục xuất nhập cảnh.

Ngoài cái nóng, ấn tượng thứ hai của người viết là ở các quầy đổi tiền tại sân bay. Có khoảng 5 quầy đổi tiền tại sân bay Yangon, tuy nhiên giá niêm yết của 5 cửa hàng này đều khác nhau. Cửa hàng đầu tiên, 1 USD có giá mua vào là 10.330 Kyat (ở đây đọc là Chạt) và chỉ cách đó 2 mét, một cửa hàng khác lại niêm yết 10.100 Kyat ăn 1 USD. Ngạc nhiên hơn là vẫn có người vào quầy thứ hai này để đổi tiền.

Một điều khác lạ nữa ở Myanmar là đồng Kyat có 2 mặt, một mặt sử dụng tiếng Myanmar và mặt còn lại sử dụng tiếng Anh. Trước đây Myanmar sử dụng song song 2 đồng tiền là Kyat và USD. Tuy nhiên, để xóa bỏ hiện tượng đô la hóa, Chính phủ Myanmar chỉ cho phép sử dụng Kyat.

Phần lớn người Myanmar vẫn mặc trang phục truyền thống là Longy (ở Việt Nam hay gọi là xà rông). Tuy nhiên, đây không phải là một điều gì đó ấn tượng, bởi hình ảnh nguyên thủ quốc gia của họ vẫn đi dép lê, mặc Longy thường xuất hiện trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Mà điều đáng ngạc nhiên là văn hóa ăn trầu của đàn ông Myanmar. Hầu hết đàn ông ở đây đều nhai trầu bỏm bẻm ở bất cứ đâu. Điều này khiến cho những con đường ở Yangon loang lỗ những vết màu đỏ. Những anh lái xe taxi thò đầu ra cửa kính và toẹt xuống lòng đường là hình ảnh khá phổ biến trên đường phố.

Nếu như hành vi nhổ bã trầu không được đẹp cho lắm thì đường phố của Yangon lại khá ấn tượng, được quy hoạch bài bản. Đặc biệt, ở Yangon không hề có xe máy. Phương tiện đi lại chủ yếu là xe buýt, taxi và xe tải nhỏ. Việc cấm xe máy cùng hạ tầng quy hoạch khá đồng bộ khiến người viết cảm giác Yangon giống như một thành phố hiện đại. Dù mới mở cửa 2 năm nhưng xe hơi đời mới khá phổ biến ở Myanmar và phần lớn xe có nguồn gốc từ Nhật.

Không hiện đại như Yangon, Bagan (hành trình thứ hai tại Myanmar của người viết) lại cho thấy một hình ảnh thực của Myanmar. Người dân ở đây vẫn còn rất nghèo khổ. Nhiều người trong đoàn khách du lịch từ Việt Nam đều nhận xét rằng, hình ảnh những làng quê ở Bagan giống như những làng quê ở Việt Nam vào những năm cuối thập niên 80 của thế trước. Đây có lẽ là một trong điều hấp dẫn khách du lịch đến với Myanmar bên cạnh những yếu tố lễ hội và các di sản của vùng đất này.

Những ngồi đền, chùa xuất hiện dày đặc trên những con đường chúng tôi đi qua. Hướng dẫn viên của đoàn cho biết tất cả 2.217 ngôi đền chùa của Bagan chỉ nằm trong diện tích 42 km2 bên trái bờ sông Ayeyarwady. Bagan từng là thủ đô của Myanmar trong vòng 230 năm, giữa thế kỷ XI và XIII.

Những con đường bụi mù mịt khi những chiếc xe tải ‘buýt’ với vài chục người chen chúc chạy qua. Những em bé và phụ nữ với khuôn mặt đầy các vệt trắng như bùn hay vẽ bằng sơn khiến tôi tưởng mình đang ở một vùng đất nào đó ở châu Phi trong các chương trình Discovery.

Trong khi đàn ông Myanmar có văn hóa ăn trầu thì phụ nữ Myanmar lại có văn hóa sử dụng bột thanakha, loại “mỹ phẩm” dùng để dưỡng da mặt. Bột thanakha được tạo ra từ một loại gỗ cùng tên, được trồng rất nhiều ở thành phố cổ Bagan. Khi chế biến bột thanakha, người ta cắt thân cây thành các khúc và mài vào miếng đá có thấm nước. Phần bột được mài ra này được dùng để bôi lên mặt, có tác dụng làm mát da, xóa tàn nhang, mụn trứng cá, mụn nhọt, mụn đầu đen, sự đổi màu da, da phát ban ngứa và phát ban mặt.

Bên cạnh những đền đài, những lễ hội cũng là một nét văn hóa độc đáo ở Myanmar. Ở một đất nước có đến hơn 2 ngàn ngôi chùa thì đa số (95%) người dân theo đạo Phật cũng không có gì là lạ và vì thế những lễ hội nơi đây đều phần lớn liên quan đến đạo phật. Và một trong số đó là lễ xuất gia mà người viết có dịp chứng kiến.

Những đứa trẻ xuất gia ăn mặc đẹp sặc sỡ được che lọng ngồi trên những con ngựa, voi, xe bò được rước đi quanh làng. Đây cũng là dịp cha mẹ tự hào cho làng xóm biết con em họ đã xuất gia. Ngay sau đoàn ngựa là những cô gái xinh xắn, đội trên đầu hoặc cầm trên tay các giỏ hoa hoặc đồ vật cúng dường cho trẻ xuất gia. Người thân sẽ xếp thành hàng và đi theo sau các cô gái rồi dẫn đến chùa hoặc tu viện trong làng. Đây là lễ quan trọng nhất trong cuộc đời một người ở Myanmar.

Những di tích và đền đài ở Bagan là những nơi đáng để khám phá. Tuy nhiên, để đến được Bagan là một hành trình bay khó có thể quên đối với những du khách lần đầu tiên đến Myanmar như tôi. Đi máy bay mà tôi cảm giác như đi xe buýt và tôi gọi vui là máy bay “buýt” hay máy bay “xe đò”.

Từ Yangon đi Bagan nếu bay thẳng chỉ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ, nhưng hãng hàng không Yangon Airways lại mất 2 tiếng bay vòng qua nhiều sân bay nội địa khác để đón và trả khách và trong 2 tiếng đó chiếc ART72 phải cất và hạ cánh đến 6 lần.

Việc cất cánh hạ cánh liên tục khiến nhiều hành khách cảm thấy mệt, nhưng phần lớn vẫn vui vẻ, bởi những trải nghiệm thú vị cùng nụ cười luôn nở trên môi của 3 cô tiếp viên xinh đẹp.

Mặc dù vẫn còn khá ít máy bay, nhưng quan sát cho thấy, hầu như các sân bay ở Myanmar đều đang trong quá trình mở rộng hoặc sửa chữa. Hiện nay hạ tầng là một trong những lĩnh vực đang được đầu tư mạnh mẽ ở Myanmar.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Myanmar đang là nền kinh tế mới nổi hàng đầu tại Đông Nam Á với nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn dành cho doanh nghiệp nước ngoài. Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy, kinh tế Myanmar có thể tăng quy mô gấp 4 lần, lên 200 tỉ USD vào năm 2030.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng hiện tại nền kinh tế Myanmar đang đi sau Việt Nam khoảng 10 năm, nhưng với sự mở cửa kinh tế cũng như sự hỗ trợ của đòn bẩy internet, họ có thể thu hẹp khoảng cách với Việt Nam trong vòng 5 năm. Myanmar cũng đang tích cực cử các chuyên gia sang Việt Nam để học về kỹ thuật trồng lúa. Họ đặt mục tiêu quay trở lại là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Myanmar có diện tích gấp đôi Việt Nam nhưng chỉ có khoảng 51 triệu người.

Tuy nhiên, thách thức cho sự phát triển của Myanmar, theo các tổ chức quốc tế, là có thể đến từ sự bảo thủ của chính người dân nơi đây. Myanmar đang mở cửa, nhưng họ vừa muốn hiện đại hóa nền kinh tế, vừa muốn bảo vệ lợi ích doanh nghiệp. Điều này thể hiện ở sự thống trị của các doanh nghiệp nhà nước cũng như việc hạn chế đầu tư nước ngoài vào nhiều lĩnh vực.

Mặc dù nhiều doanh nghiệp Việt Nam đến tìm cơ hội ở Myanmar nhưng đến nay rất ít doanh nghiệp tiếp cận được thị trường này, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư. Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) hiện là dự án đầu tư lớn nhất tại Myanmar. Sự thành công của HAGL được cho là do họ đã tiếp cận thị trường này từ rất sớm. Bởi lẽ, những chính sách đầu tư vào Myanmar hiện tại là rất khó khăn.

Nguồn lao động chất lượng cao tại Myanmar cũng là một thách thức lớn cho những doanh nghiệp muốn đầu tư tại đây. Người Myanmar hiền nhưng họ lại không chăm chỉ và có tính kỷ luật rất kém. Hiện nay, để phục vụ cho dự án tại Myanmar, HAGL phải đưa hơn 400 người từ Việt Nam sang.

Ngoài ra, do sự ảnh hưởng của chế độ mẫu hệ, lao động chủ yếu ở Myanmar phần lớn cũng là nữ giới. Trong một công trình tại Yangon do công ty xây dựng Hòa Bình của Việt Nam làm quản lý dự án, có tới 90% kỹ sư xây dựng là nữ. 

Bình luận

Bình luận đã bị đóng.